linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Để hạn chế chảy máu chất xám, việc cần làm là xây dựng một hệ sinh thái tri thức để phát triển con người

Thoạt nghe có vẻ rất vô lý, đào tạo huấn luyện con người mất nhiều công sức và tốn kém, phải cố gắng thiết kế nhiều chính sách ràng buộc để hạn chế mất người mới đúng chứ ! Thậm chí nhiều nơi rất bực tức khi người nơi mình bồi dưỡng phát triển cứ bị nơi khác “chiêu dụ”.

 Trong quản lý con người, biện pháp hành chánh như một viên thuốc kháng viêm corticoid, có thể dập triệu chứng, nhưng không thể giải quyết gốc rễ vấn đề, và mang lại nhiều tác dụng phụ. Đưa ra một quy định, một chính sách, một điều luật có thể chỉ mất một vài buổi, 1 vài trang A4 đánh máy, nhưng tác động của nó tích cực hay tiêu cực, một thời gian sau mới nhận biết hết. Càng ràng buộc, càng siết chặt, coi chừng mất người nhiều hơn trong tương lai.

Khoa học quản trị mượn khái niệm “hệ sinh thái” của lĩnh vực sinh học để viết nên nhiều học thuyết quản lý trong thời gian gần đây, trong đó đặc biệt là các lĩnh vực quản lý con người. Đặc biệt, đặc thù trong bệnh viện là một HỆ SINH THÁI TRI THỨC. Cốt lõi của một hệ sinh thái là “cộng sinh” và “sàng lọc”. Việc một nhà quản trị cần làm là xây dựng một hệ sinh thái mà những người “muốn có năng lực” muốn đến để “cộng sinh”, những người “không muốn cải thiện năng lực” tự đi để “sàng lọc”.
 
Năng lực con người là một sự phát triển liên tục, nếu ai đó nghĩ rằng “năng lực tui đủ rồi” thì chúng ta nên có cơ chế sàng lọc. Chúng ta chỉ nên giữ những người mà họ cảm thấy nơi chúng ta không còn là một hệ sinh thái để họ phát triển năng lực thêm nữa.
 
Quá trình phát triển năng lực của một con người là một quá trình “cộng sinh” chặt chẽ với hệ sinh thái. Trong bệnh viện, điều này đặc biệt quan trọng. Bản thân anh cũng tạo ra hệ sinh thái, và hệ sinh thái cũng tạo ra anh.
 
Một hệ sinh thái tri thức trong bệnh viện sẽ có "Hình hài" như thế nào:
 
1. Có các quy trình quản trị chuyên môn rất chặt chẽ, khoa học và cải tiến liên tục. Bệnh viện dành nhiều tâm sức trí tuệ cho việc xây dựng được một kiến trúc Clinical Governance phù hợp và tạo được sự tôn trọng, giữ gìn, tuân thủ chung. Nó như một bộ luật, đôi khi bất thành văn, bên trong một bệnh viện.
 
2. Có thiết kế các các cấp bậc năng lực chuyên môn được định nghĩa rõ ràng và khoa học. Và một quá trình đánh giá thăng bậc chuyên môn được xem như là một giá trị cốt lõi mà nhiều người tôn trọng, thậm chí tạo được sự ngưỡng mộ thực chất. Những người tham gia vào quá trình đánh giá thăng hạng này làm việc như một trọng trách kiến tạo hệ sinh thái. Các cấp bậc chuyên môn này đôi khi chỉ có giá trị trong phạm vi một bệnh viện. Tuy nhiên, nó luôn là một niềm tự hào mang tính bản sắc của bệnh viện.
 
3. Có một lộ trình phát triển con người nhìn thấy được. Minh bạch, người muốn có được năng lực biết rất rõ là mình cần phải học được, làm được cái gì, được lợi ích gì, có nghĩa vụ gì ứng với từng cấp bậc năng lực chuyên môn.
 
4. Có một văn hóa kiềm cập, chia sẻ giữa các cấp bậc chuyên môn, như là một bổn phận tự nguyện “cộng sinh” trong hệ sinh thái. Rất đáng mừng là nhiều bệnh viện hiện nay còn duy trì được văn hóa này.
 
5. Duy trì một văn hóa khoa học, văn hóa học tập thực chất, như là một giá trị bất biến, trong một thế giới biến động và nhiều cám dỗ.
 
6. Kiên định với các giá trị cốt lõi về người bệnh, về con người, về sự phát triển, mà các thế hệ dày công xây dựng. Như một kim chỉ nam trong bất cứ một tình huống biến động khó lường, bất lợi nào.
Hệ sinh thái là một cái gì đó vô hình. Nhưng con người cảm nhận được, thoải mái với nó hay khó chịu với nó. Chính những thứ vô hình đó lại là thứ thôi thúc con người làm việc, gắn bó, và tự nguyện làm việc như một bổn phận. Không có một quy chế, quy định nào đủ mạnh, đủ sức răng đe để một tri thức tự nguyện làm việc nếu như người đó không nhận thức được làm một việc gì đó như là một bổn phận.
 
Trong y tế, chuyển giao kế thừa và phát triển tri thức sẽ không có được khi con người không tự nguyện làm việc đó như một bổn phận. Đó là một cảnh giới tối cao mà một hệ sinh thái tri thức hướng đến . Đòi hỏi con người phải vượt qua cái bản ngã của chính mình. Một hệ sinh thái tốt chính là một hệ sinh thái giúp con người sống thoát khỏi bản ngã.
Một bệnh viện không làm được chuyện chuyển giao kế thừa và phát triển tri thức, bệnh viện đó chỉ là cái vỏ rỗng, hữu danh vô thực, tồn tại được là nhờ hào quang trong quá khứ hoặc nương nhờ lợi ích từ thể chế mang lại. Nói trắng ra là “dựa hơi”.
Một bệnh viện không làm được chuyện chuyển giao kế thừa và phát triển tri thức, sẽ là hang ổ thu hút những con người đến để trục lợi hơn là đến để phát triển nó. Mà đa phần là lợi ích từ thể chế mang lại, đến để mà trục nó. Cho nên, bản chất là trục lợi thể chế.
 
Một bệnh viện không làm được chuyện chuyển giao kế thừa và phát triển tri thức, sẽ không bao giờ có được những con người có năng lực thật sự về lâu dài. Mà chỉ toàn những kẻ cơ hội, và đương nhiên khi cơ hội lợi ích không còn thì bệnh viện đó sẽ tự khắc tan rã, vấn đề là bao lâu.
 
Một bệnh viện không làm được chuyện chuyển giao kế thừa và phát triển tri thức, người mong muốn cải thiện năng lực sẽ “đứng núi này trông núi nọ” mà không bao giờ toàn tâm toàn ý. Tất cả là nín thở chờ thời cơ.
 
>>> Lời kết
Những năm gần đây, chủ đề mà tôi đeo đuổi là tìm kiếm những đặc điểm mà một hệ sinh thái tri thức có thể tạo nên người có năng lực trong một bệnh viện, và đã tìm được một vài đặc điểm ở một vài nơi. Những điều tôi viết ra, không phải do tôi tưởng tượng, mà nó hiện thực ở trong các bệnh viện (trong gần 20 bệnh viện mà tôi có dịp làm việc).
Trong y tế, với một bệnh viện, xây dựng một hệ sinh thái mà ở đó sản sinh được người giỏi, có năng lực, là bệnh viện đó sẽ thành công và phát triển. Bất kể đó là bệnh viện công hay tư . Bất kể ở qui mô nào, từ phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện đến bệnh viện tuyến cuối.
 
Đương nhiên là bệnh viện tuyến cao có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng một hệ sinh thái chuyên môn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một bệnh viện tuyến thấp hơn không thể làm được.
Nhiều nhà đầu tư y tế, giáo dục, nghĩ rằng: có tiền xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Có tiền thu hút nhiều chuyên gia nổi tiếng….là xong, là trở thành một bệnh viện, là trở thành một trường đại học…ngon lành.
 
Đó là một suy nghĩ ngây thơ về quản trị, những nổ lực về tiền bạc chỉ là 10%, 80% còn lại là nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái tri thức, 10% là những tác động may rủi từ chính sách. Vấn đề là để xây dựng một hệ sinh thái tri thức như trên mất bao nhiêu thời gian, đòi hỏi trí tuệ tâm huyết nhiều hơn tiền bạc. Đương nhiên, những nhà đầu tư đó cũng có được nhiều lợi ích từ việc đầu tư đó của họ (thực chất họ cũng chả ngây thơ!). Tuy nhiên, có thể nó không đến từ y tế, mà đến từ một cái gì đó (thực chất là rất cáo già!).
Bài viết này như một chia sẻ đến những con người muốn làm y tế thực sự.
Chúc thành công.
 
Ths. Huỳnh Bảo Tuân
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team