Các cơ quan chức năng bên ngoài bệnh viện cũng cần rà soát lại, và chia sẻ thông tin với nhau, để giảm cường độ báo cáo cho các bệnh viện. Một bệnh viện phải báo cáo cho 7-8 sở, hội đồng nhân dân, ủy ban, kiểm toán…ai cũng có quyền yêu cầu báo cáo. Nhưng không ai nghĩ xem, nó làm gia tăng chi phí cho bệnh viện như thế nào.
1. Ngừng phán xét
Bệnh viện là môi trường tri thức, ý nói đến các quá trình tạo sinh tri thức để tạo nên giá trị dịch vụ y tế. Tuy nhiên, ở góc độ môi trường tương tác, bệnh viện không khác chi cái chợ, với đủ loại người trong xã hội tham gia tương tác: văn nghệ sĩ, mại dâm, côn đồ, công an, …giàu nghèo, đại gia, quan chức, …
Quá trình tương tác không tránh khỏi sự nhận diện, nhận xét và PHÁN XÉT. Thay vì nhận diện ở góc nhìn chuyên môn “có nguy cơ nhiễm HIV? Có nguy cơ lây nhiễm, truyền nhiễm…”, thì nhân viên y tế đồng thời cũng mang cái lăng kính xã hội của mình vào để mà “trong mặt mà bắt hình dong”. Khi thấy một người xăm mình vào là thấy ghét. Khi thấy một cô gái ăn mặc lòe loẹt là nghĩ ngay gái gọi. Thấy tại nạn giao thông phán ngay ăn nhậu, thấy trẻ con bị tai nạn là phán ngay cha mẹ tắt trách, thấy người già đưa vào viện trễ là phán ngay con cái bất hiếu…
Quá trình làm việc tiếp xúc lâu ngày hình thành các định kiến và phán xét KHÔNG CẦN THIẾT và NGUY HẠI với con người. Bởi sự phán xét tác động trực tiếp đến sự phán đoán, và các cách thức xử trí, các quyết định lâm sàng của nhân viên y tế.Và đương nhiên là ảnh hưởng đến thái độ giao tiếp, từ đó gây ra nhiều chuyện rối ren khác.
Bên cạnh đó, một vấn đề tạo nên sự mất tập trung của nhân viên y tế ngày càng gia tăng đó là SỰ BẠO HÀNH, nghĩa là vừa làm vừa để ý xem nó có rút dao không, vừa làm vừa chuẩn bị tư thế co giò chạy thì quá trình tập trung gần như không thể. An ninh sân bay được bảo vệ chặt chẻ và chuyên nghiệp, an ninh bệnh viện đến lúc cũng phải đặt ra. Vấn đề là nó sẽ gia tăng chi phí cho bệnh viện. Hàng không có thể hạch toán chi phí vào giá vé, bệnh viện có hạch toán được chi phí an ninh vào viện phí không?
Ngừng phán xét để tập trung vào các biểu hiện lâm sàng, để tập trung vào các quyết định xử trí, để không quên các chi tiết xử lý, và đặc biệt là SỰ TRAO ĐỔI THÔNG TIN LÂM SÀNG giữa nhân viên y tế không bị rơi rớt, bỏ sót, quên, nhầm…
Ngừng phán xét không phải là vô cảm. Trái lại, ngừng phán xét, lúc đó mới bỏ được những định kiến, từ đó đồng cảm và thấu cảm sẽ gia tăng. Giúp cho nhân viên y tế có rèn luyện được trực giác chuyên môn tốt hơn.
2. Bệnh viện cần đầu tư CNTT để cải thiện hiệu quả trao đổi thông tin cho nhân viên y tế.
Thông tin y tế có đặc điểm lắt nhắt, rời rạc, chi tiết, rất dễ nhầm lẫn, có cấu trúc hoặc không có cấu trúc. Mỗi một ca trực, một bác sĩ hay điều dưỡng tiếp nhận hàng trăm dữ liệu dữ kiện, và cũng tạo ra ngần ấy cho người khác. Quá trình ghi chép, ghi chú, chuyển giao, bàn giao, rất là thủ công, xác suất nhầm lẫn rất rất cao.
Hệ thống thông tin y tế chỉ có thể ghi nhớ thông tin có cấu trúc. Trong khi các thông tin không cấu trúc bao gồm các nhận định, phán đoán, trực giác, ý tưởng thử sai…hầu hết nằm trong đầu của nhân viên y tế. Hoặc những tình huống ra y lệnh miệng, rất dễ sai sót nhầm lẫn, càng không có để lại chứng cứ cho việc phân tích nguyên nhân gốc rễ phía sau.
Các công cụ công nghệ thông tin cần tập trung đầu tư phát triển các ứng dụng (phát triển các App) hỗ trợ cho các khâu:
- Bàn giao người bệnh giữa các ca hoặc giữa khoa này qua khoa kia.
- Ghi chú và nhắc việc cho bác sĩ điều dưỡng.
- Nhận diện người bệnh thông qua hình ảnh nhận diện khuôn mặt
- Quản lý người bệnh, quản lý dụng cụ y khoa, trang thiết bị qua công nghệ RFID.
- Các app chat, chia sẻ hình ảnh khẩn cho hoạt động hội chẩn.
- Cần hạn chế: Sử dụng các group Zalo, FB, … để trao đổi thông tin công việc. Vì các group này sẽ làm tâm trí lang thang, phân tán sự tập trung nhiều hơn.
3. Cấu trúc lại hoạt động họp hội và báo cáo:
Ở các bệnh viện, triển khai bất cứ việc gì, cũng cần phải họp. Có mấy lý do cho việc này.
- Thứ nhất, sự phối hợp hàng ngang rất là hạn chế, nên việc gì cũng phải ngồi lại họp.
- Thứ hai, chúng ta chưa có kỹ năng làm việc “ảo”, làm việc từ xa, làm việc không tương tác trực tiếp. Tuy nhiên, kỹ năng này sẽ cải thiện trong tương lai.
- Thứ ba, cơ chế ra quyết định tập thể ở bệnh việc công, cũng dẫn đến họp tối ngày, ghi biên bản như là nghị quyết…Cải thiện việc này cần là một sự đổi mới đột phá về môi trường tổ chức. Nhưng trước mắt, cần cấu trúc lại, lịch trình hóa (routine hóa) nội dung họp để giảm họp đột xuất thành họp thường quy chủ động. Ví dụ, thứ bảy tuần thứ tư trong tháng là họp các ban dự án đầu tư, thứ sáu tuần thứ 2 hàng tháng là họp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đồng thời bệnh viện cần tập dần sự phối hợp hàng ngang không cần lãnh đạo đứng ra điều động. Nhân viên giữa các khoa phòng vẫn có thể huy động phối hợp được.
Có rất nhiều loại hình báo cáo, và cấp độ báo cáo trong bệnh viện. Gần như khoa phòng nào cũng sắm người ăn xong ngồi làm báo cáo, tiêu tốn nguồn lực đáng kể cho bệnh viện. Để giải quyết việc này đòi hỏi một tầm nhìn trong hoạt động thiết kế hệ thống thông tin và dữ liệu. Nếu 80% các loại hình báo cáo được tự động hóa bởi các phần mềm thì bệnh viện sẽ giải phóng được một nguồn lực to lớn.
Ngoài ra, bệnh viện cần làm một dự án rà soát các loạt hình báo cáo để đồng bộ hóa, hạn chế chồng lấn, lặp lại giữa các khoa phòng. Cấu trúc lại các loại hình báo cáo, thông tin gì cần, thông tin gì không cần, cấp độ, và mức độ chia sẻ. Nếu không mọi thứ cứ như loạn lên, thấy ai cũng làm việc cuống cuồng nhưng kỳ thực rất kém hiệu quả.
Các cơ quan chức năng bên ngoài bệnh viện cũng cần rà soát lại, và chia sẻ thông tin với nhau, để giảm cường độ báo cáo cho các bệnh viện. Một bệnh viện phải báo cáo cho 7-8 sở, hội đồng nhân dân, ủy ban, kiểm toán…ai cũng có quyền yêu cầu báo cáo. Nhưng không ai nghĩ xem, nó làm gia tăng chi phí cho bệnh viện như thế nào.
Nhân ngày Thế giới An toàn người bệnh,
Chúc sức khỏe và thành công.
Trân trọng
Ths. Huỳnh Bảo Tuân