linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

5 PHÚT VỚI BẢN ĐỒ CHIẾN LƯỢC: Chiến lược y tế là gì?

Để chuẩn bị cho hội thảo tháng sau của CLB. Mình xin phép chia sẻ một chuỗi các bài viết ngắn, để giới thiệu các nội dung trong 'Bản Đồ Chiến Lược'. Để khỏi bị Linh Phan "mắng vốn" về thói quen kể chuyện dài dòng 😓, mỗi bài này sẽ được viết gói gọn trong 5 phút.
BÀI 1: CHIẾN LƯỢC Y TẾ LÀ GÌ? - CHUYỆN NGƯỜI ĐI DÂY
 
Mỗi khi nói đến chiến lược, mình lại nghĩ đến hình ảnh một người diễn xiếc, đang tìm cách đi từ đầu này sang đầu kia của một sợi dây, nhưng lại phải đi xe đạp một bánh, và vừa tung hứng những quả banh.
 
 
Còn theo GS. Michael Porter của ĐH Harvard, "cha đẻ" của ngành chiến lược kinh doanh hiện đại, thì chiến lược là "Việc lựa chọn có chủ đích một nhóm các hành động (activities), để đạt được những giá trị (values) nhất định."
Ở đây có 3 điểm đáng lưu ý.
 
(1) Lựa chọn có chủ địch: 
Không phải 'trước sao, giờ vậy" - thừa kế chiến lược từ các lãnh đạo đi trước rồi cứ tiếp tục đi theo con đường đó, mặc dù hoàn cảnh đã thay đổi. 
Cũng không phải việc so sánh và bắt chước theo các đối thủ cạnh tranh - "họ có khoa tế bào gốc, mình cũng phải có" (cho dù chưa biết khách hàng của mình có cần không, hay nhân viên của mình có sẵn sàng không)
 
(2) Một nhóm các hành động:
Mỗi tổ chức y tế là một Hệ Thống Phức Tạp (Complex System), bao gồm nhiều bộ phận, với các tương tác, trách nhiệm và lợi ích đan xen với nhau.
Ai cũng thích có chiến lược dễ hiểu. Một CEO BV nói "Chiến lược của chúng tôi là 'Hết lòng chăm sóc nhân viên, để nhân viên chăm sóc người bệnh'". 
Đây là một chiến lược rất hay nhưng quá đơn giản. Còn vấn đề tài chính, vật tư, hay rủi ro pháp lý thì sao? Liệu việc "Chăm sóc nhân viên" có bao gồm việc bao biện / bảo vệ, và đặt lợi ích của nhân viên lên trên người bệnh?
Đây là lý do mà chúng ta cần có bức tranh tổng thể, để hiểu hết sự tương tác giữa các thành phần trong tổ chức y tế.
 
(3) Đạt được những giá trị nhất định:
Mỗi tổ chức cần quyết định xem mình tồn tại để tạo ra giá trị gì, và cho ai. Làm ngành y thì ai cũng nói "chúng tôi hết lòng vì bệnh nhân", nhưng trong thực tế thì chúng ta "làm dâu trăm họ", luôn phải cân bằng giữa những giá trị khác nhau như:
+ hài lòng bệnh nhân
+ hài lòng chủ đầu tư (cả công và tư)
+ hài lòng nhân viên
+ hài lòng cơ quan quản lý
+ hài lòng bảo hiểm y tế
 
Việc vạch ra chiến lược tổ chức y tế đòi hỏi sự cân bằng của bao nhiêu là yếu tố, cũng như người diễn viên xiếc trong hình. May mắn thay ngành y là nơi tập trung những con người giỏi nhất.
+ Chúng ta nói quản lý tổ chức thì phức tạp vì có nhiều bộ phận và sự tương tác của các nhóm lợi ích, nhưng như vậy đã thấm tháp gì so với sự phức tạp của các cơ thể con người?
+ Việc chúng ta lập chiến lược cho tổ chức, đâu khác gì việc can thiệp y khoa cho người bệnh - cũng là lựa chọn có chủ đích một nhóm các hành động (dược lý, giải phẫu), để đạt được những giá trị nhất định (kéo dài sự sống hay tối ưu chất lượng cuộc sống cho người bệnh)."
+ Và Bản Đồ Chiến Lược này, cũng có chung một nguyên lý "hệ thống nhân quả" (cause-effect system) với các Phác Đồ Điều Trị mà chúng ta đã rất quen thuộc.
 
Khoa học quản lý có rất nhiều điểm tương đồng với ngành y khoa. Vì vậy mình rất lạc quan là, qua các hoạt động chia sẻ và thảo luận của CLB, chúng ta sẽ cùng nhau cải tiến y tế thành công.
 
Trong các bài viết số 2, chúng ta sẽ bàn luận câu hỏi: CHIẾN LƯỢC LÀ VIỆC CỦA AI?
Mong nhận được phản hồi của các bạn trong CLB.

Dimitry Tran
 
Chia sẻ của các Anh Chị trên diễn đàn CLB QLCL-ATNB: 
 
Lan Vien Phan Em rất ấn tượng với hình ảnh diễn viên xiếc. Nó là tổng hòa của cả kiến thức - kỹ năng được nâng tầm đến mức nghệ thuật. Việc cân bằng các giá trị khác nhau: hài lòng bệnh nhân, hài lòng chủ đầu tư, hài lòng nhân viên, hài lòng cơ quan quản lý, hài lòng bảo hiểm y tế - cũng đòi hỏi nhiều nhà quản lý đau đầu. Em nghĩ nó không tách biệt mà luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và đòi hỏi nghệ thuật người lãnh đạo:
- Bệnh nhân có hài lòng không khi nhân viên y tế không hài lòng?
- Chủ đầu tư hài lòng liệu BHYT có chịu?
- Nhân viên y tế liệu có hài lòng khi BHYT hài lòng?
.....
 
Dimitry Tran Cám ơn phản hồi của Lan Vien Phan. Ý của Lan Vien nêu lên là rất quan trọng. Màn trình diễn của người diễn viên xiếc này có phải là nghệ thuật không?
 
Trong ngành y khoa, từ khi có xu hướng Y Học Bằng Chứng (evidence-based medicine) khoảng 20 năm gần đây, việc điều trị y tế bớt đi tính "ngẫu hứng nghệ thuật", "thấy thuốc mát tay", mà càng ngày càng mang tính khoa học hơn (định tính, định lượng phương pháp và kết quả điều trị; tiêu chuẩn hoá các quy trình).
 
Trong ngành quản lý cũng vậy. Trước đây, những nhà lãnh đạo thành công thường được coi như là đỉnh cao "nghệ thuật quản lý". Tuy nhiêu, việc nghiên cứu và biên soạn các phương pháp quản lý, ví dụ như tại ĐH Harvard, giúp cho ngành quản lý ngày càng mang tính "bằng chứng" hơn. Nhờ vậy, ngày nay, chúng ta đã biết sự quan trong của việc hài lòng nhân viên, hay văn hoá công bằng trong tổ chức. Đây không còn là những "phong cách quản lý" của cá nhân lãnh đạo nữa, mà đã trở thành một cách tiếp cận khoa học (evidence-based management).
 
Ngành y tế Việt Nam ngày càng tiếp cận nhanh các bằng chứng y khoa mới - từ dược phẩm, đến thiết bị. Kết quả IVF của Việt Nam đã hàng đầu khu vực (Ho Manh Tuong). Hôm qua, lại có tin chúng ta có kỹ thuật mổ nội soi hàng đầu thế giới.
 
Mong sao trong lĩnh vực quản lý y tế, tốc độ tiếp cận các bằng chứng khoa học cũng sẽ ngày càng tăng tốc như vậy.

CLB QLCL-ATNB
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team