linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

5 Phút với bản đồ chiến lược: Bài 6 - Từ lâm sàng sang quản lý

Mấy hôm nay CLB chúng ta nóng lên về chủ đề: "Nếu một nhân viên giỏi lên làm quản lý BV, thì liệu chúng ta có mất một nhân viên tốt, và có thêm một quản lý tồi?”
Hôm nay xin mình mượn tựa đề cuốn sách giáo khoa quản lý y tế kinh điển của các GS ĐH Flinders (trường của Anthony Phuc Le) và ĐH UNSW (trường của Dimitry Tran) để chia sẻ góc nhìn Bản Đồ Chiến Lược về con đường:
‘Từ Dân Lâm Sàng Sang Làm Quản Lý’ (From Clinician to Manager).
 
 
BÀN VỀ NHÂN VIÊN TỐT
Trước tiên chúng ta cần đặt câu hỏi "nhân viên tốt" là ai? Điều Dưỡng Tốt, Bác Sĩ Tốt hay là Y Sĩ Tốt. Ở nước ngoài thì cả ba vị trí đều có thể trở thành quản lý. Nhưng ở VN - đặc biệt là chính sách BV công, thì vai trò quản lý thường chỉ dành cho các BS. Vậy thì: "Bác Sĩ Tốt", bạn là ai?
 
Đây là một câu hỏi cũng khó không kém. Theo mô hình Quản Lý Nhân Sự, mà mình có chia sẻ hôm qua, thì chất lượng việc làm (hành vi) của một nhân viên được dẫn dắt bởi 3 yếu tố:
 
(1) Kiến Thức:
Theo ý kiến của mình, bạn "Bác Sĩ Tốt" sẽ có kiến thức y khoa đầy đủ trong lĩnh vực chuyên ngành. Bạn ấy không ngừng cập nhật các tiến bộ và quy trình điều trị của thế giới.
Bạn hoàn toàn không "giấu nghề" mà sẵn sàng chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp vì bạn ấy biết "Khi một người dạy thì hai người học." (When one teaches, two learn).
 
(2) Kỹ Năng:
+ "Phần cứng" - bạn ấy vận dụng kiến thức của mình để thực hành lâm sàng tốt - từ chẩn đoán đến điều trị. Đồng thời, bạn ấy cũng đều đặn sử dụng các công cụ hỗ trợ để bảo đảm chất lượng, như clinical pathway và checklist.
+ "Phần mềm" - bạn ấy tự rèn luyện EQ - cảm thông với bản thân và tự điều tiết cảm xúc. Đồng thời cảm thông với bệnh nhân và đồng nghiệp. Nhờ vậy, bạn có thể vận dụng các nguồn lực trong BV hữu hiệu để chăm sóc cho BN.
Tuy rất giỏi "phần cứng" chuyên môn, nhưng bạn ấy biết y tế là một môn thể thao đội nhóm (medicine is a team sport), nên luôn làm việc với các đồng nghiệp điều dưỡng và BS khác để chăm sóc bệnh nhân (team care). Bạn ấy và các đồng nghiệp thường xuyên đánh giá các quy trình lâm sàng trong khoa để bảo đảm cập nhât theo Y Khoa Bằng Chứng (Evidence Based Medicine).
 
(3) Giá Trị:
Y tế với bạn ấy là đam mê. Bạn ấy không vui gì hơn là khi thấy BN phục hồi và ra khỏi BV. Tuy thường xuyên bị đau đầu vời BHYT và vấn đề thanh toán, bạn ấy luôn đặt sức khoẻ của BN lên trước.
 
Lương bạn ấy chỉ vừa đủ (đôi khi là không đủ) để trang trải cuộc sống. Trong môi trường vừa lương vừa lậu, bạn không biết cân bằng giữa trách nhiệm y đức và trách nhiệm thu nhập gia đình thế nào? Bạn chỉ hi vọng các lãnh đạo BV sẽ dẫn dắt Anh Em NVYT theo con đường đúng.
 
Trong môi trường làm việc căng thẳng, khó khăn và đôi khi còn có bạo lực, nhiều khi bạn ấy cũng muốn buông xuôi. Những lúc đó bạn ấy lại nhớ lại lời dạy của Thầy Thích Nhất Hạnh: "chúng ta đều tương tức - bạn là một phần của tôi, và tôi là một phần của bạn". Khi nhìn người BN già trẻ ngồi trước bàn khám bệnh, bạn thấy trong họ hình ảnh bố mẹ, con cái của mình. Và điều này "xạc pin cảm thông" cho bạn ấy đi tiếp nghiệp y.

LÂM SÀNG VÀ QUẢN LÝ
Liệu bạn "Bác Sĩ Tốt" này có thật để mà được cất nhắc lên làm quản lý không nhỉ? 🤔
Hay là mình đang ảo tưởng hình ảnh một vị "Thần Đèn Toàn Năng", như trong biếm hoạ dưới đây của tạp chí y khoa Anh Quốc (BMJ) với tựa đề "Good Doctor".
Nếu bạn "Bác Sĩ Tốt" này có thật, thì chắc chắn bạn ấy cũng sẽ là một nhà "Quản Lý Tốt".
Vì sao ư?
 
Như mình đã có vài lần chia sẻ: khoa học quản lý và khoa học y tế có nhiều điểm chung. https://www.facebook.com/groups/389634957888165/permalink/690268117824846/
(1) Chúng ta đều làm việc dựa trên bằng chứng - phương pháp điều trị hay phương pháp quản lý đều cần được dựa trên thực nghiêm khoa học.
(2) Chúng ta đều xử lý vấn đề hệ thống - không có hệ thống nào phức tạp hơn cơ thể con người, và cũng hiếm có hệ thống tổ chức nào phức tạp như cơ cấu của một BV.
(3) Quy trình cải tiến của chúng ta rất giống nhau, ngành quản lý gọi là PDSA, ngành y gọi là: chẩn đoán (Plan), chăm sóc (Do), tái khám (Study), và điều chỉnh (Act).
(4) Để làm tốt công việc, chúng ta đều cần vận dụng cả Kỹ Năng Cứng (chuyên môn lâm sàng hay chuyên môn quản lý) và Kỹ Năng Mềm (dùng kỹ năng xúc cảm để quan hệ tốt với đồng nghiệp và khách hàng).
 
KẾT
 
Bên cạnh những điểm chung, là những kiến thức và kỹ năng đặc thù của ngành quản lý. Cho nên con đường "Từ Lâm Sàng Sang Quản Lý" cần có sự chuẩn bị và rèn luyện không ngừng.
Như Bản Đồ Chiến Lược có miêu tả, một người làm quản lý y tế cần lưu tâm đến cả trăm yếu tố, với bao nhiêu là mối tương quan phức tạp. Từ Nhân Sự, đến Thông Tin. Cơ Sở Vật Chất, Hài Lòng Bệnh Nhân. Rồi Doanh Thu, Chất Lượng, Chi Phí, vân vân và vân vân.
 
Nhưng mình tin chắc bạn "Bác Sĩ Tốt" sẽ làm được. Bởi vì trên hết, bạn ấy có cái tâm tốt!
Một người bác sĩ mà đặt tâm vào danh vọng hay làm giàu, thì khi được cất nhắc, cũng sẽ mang những động cơ đó lên vị trí quản lý.
 
Một người bác sĩ mà có tâm từ bi, thì dù chưa bao giờ hạch toán ngân sách hay quản lý rủi ro, cũng sẽ mau chóng học cách "đi dây" để mà hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân cho hiệu quả.
(https://www.facebook.com/groups/389634957888165/permalink/705293312988993/)
 
Như anh Từ Thanh và Nguyen Tuong Vu đã chia sẻ - có tâm đúng là quyết định 70% sự thành công trong ngành y rồi.
30% còn lại... thì đã có Bản Đồ Chiến Lược!
 
Dimitry Tran

 

THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team