linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Phần 4: Tổng hợp, phân tích chỉ số chất lượng (Data aggregation and analysis plan explanation)

Phòng Quản lý chất lượng, đặc biệt là nhóm Cải tiến chất lượng (Quality Improvement Team) nên hỗ trợ các khoa/ phòng xây dựng các mẫu báo cáo đã được tự động hóa. Đơn giản nhất là tận dụng tối đa những chức năng sẵn có của Microsoft Excel.
 Phân tích số liệu từng chỉ số như thế nào đã được xác định ngay từ đầu trong Phiếu thông tin chỉ số ở mục Hướng dẫn cách tổng hợp và phân tích số liệu (xem lại bài viết phần 2). Tới giai đoạn này, ta chỉ cần làm theo những gì đã được liệt kê trong phiếu thông tin chỉ số.
 
Ví dụ chỉ số: Tỷ lệ tuân thủ định danh người bệnh. Ta không thể phân tích số liệu chỉ để đưa ra một con số % tỷ lệ tuân thủ là bao nhiêu mà cần phải có những con số khác để giúp phân tích sâu giúp tìm ra vấn đề đang nằm ở trong câu chuyện định danh người bệnh.Cụ thể hơn:
 
- Tỷ lệ tuân thủ định danh người bệnh chung toàn viện; theo từng đối tượng, theo từng thời điểm (chẳng hạn như: trước xét nghiệm chẩn đoán, trước khi thực hiện thủ thuật, trước khi cung cấp phương pháp điều trị, các cơ hội khác cần định danh người bệnh trước khi cung cấp dịch vụ,…), lý do tại sao không tuân thủ.
 
- Tỷ lệ tuân thủ định danh người bệnh theo từng khoa: cũng phân tích rất cụ thể chi tiết như đối với số liệu phân tích của toàn viện như trên. Để khi nhận được kết quả báo cáo, đại diện các khoa sẽ biết khoa mình chẳng hạn tỷ lệ tuân thủ định danh người bệnh tháng này chỉ đạt 70% trong khi mục tiêu đặt ra là 100%. Vậy bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý,… trong khoa mình cụ thể các đối tượng này có mức tuân thủ như thế nào, thời điểm nào ít được tuân thủ nhất, lý do không tuân thủ là gì, do chỉ hỏi tên BN mà không hỏi đầy đủ họ tên, hay chỉ hỏi họ tên mà bỏ qua việc hỏi xác nhận lại ngày tháng năm sinh,… có như vậy việc cải tiến khi đưa ra bất kỳ giải pháp nào cũng cụ thể, có nhắc nhở nhân viên thì cũng nhắc nhở cụ thể đối tượng nào ít tuân thủ, tránh trường hợp tháng nào cũng nhắc chung chung “mọi người nhớ phải tuân thủ”, nhân viên không biết đang nhắc ai, chắc không phải mình, thành ra “nhắc hoài cũng vậy” chỉ vì cách “nhắc nhở” không rõ ràng, không hiệu quả do không có số liệu phân tích cụ thể để quản lý nhắc nhở.
 
Một số loại biểu đồ cơ bản thường dùng khi phân tích và minh họa dữ liệu: biểu đồ tròn, biểu đồ cột, biểu đồ cột chồng, biểu đồ dạng đường, biểu đồ kết hợp (biểu đồ cột và biểu đồ đường). Cần chọn ĐÚNG loại biểu đồ cho dữ liệu sao cho việc hiển thị dữ liệu theo một cách dễ hiểu, nhưng cũng trực quan và ấn tượng (ví dụ minh họa bên dưới phần hình ảnh).
 
 
 
 
 
 
Có thời gian, Anh/chị/em nên tìm hiểu thêm về 7 công cụ quản lý chất lượng (7QC tools) để nắm được một vài công cụ giúp kiểm soát quá trình cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, xác định các vấn đề chính, kiểm soát biến động chất lượng trong chăm sóc và điều trị, đưa ra giải pháp để ngăn chặn và phòng ngừa để tránh các sai lỗi có thể xảy ra trong tương lai, rất hữu ích trong việc hình thành mindset trong quá trình phân tích số liệu.
 
Về phía phòng QLCL, nên thiết kế một biểu mẫu để Tóm tắt các chỉ số chất lượng, theo dõi nhanh chóng, trực quan tất cả các chỉ số về xu hướng tăng giảm. Lý giải tại sao tăng, tại sao giảm, có hành động can thiệp nào đã được triển khai không, có vấn đề gì đáng lưu ý không. Để việc phân tích không chỉ dừng lại ở những con số, mà khi con số được đưa ra, ta cần quay trở lại đặt câu hỏi tại sao lại có con số này khi thấy giá trị “bất thường” xuất hiện. Ví dụ như khoa cấp cứu có chỉ số chất lượng là Tỷ lệ bệnh nhân xuất viện quay trở lại không theo kế hoạch trong vòng 72 giờ, theo dõi đều đều các tháng đều 0%, có tháng này tăng lên 3%, vậy phải tìm lý do, phân tích sâu hơn, tăng lên là do BN xuất hiện triệu chứng khác của cùng chẩn đoán trước, hay cùng triệu chứng cũ nhưng nặng hơn, hay do tâm lý lo lắng nên muốn vô bệnh viện để theo dõi,…. Và kết quả điều trị khi BN quay lại lần 2 này là gì, BN về nhà theo dõi thêm, hay chuyển nhập viện, hay chuyển phòng mổ, hay tử vong,…, Vậy lý do là gì, do chẩn đoán xót? Do bệnh có triệu chứng xuất hiện muộn, do không tuân thủ phác đồ, do BN không theo lời dặn của BS,…? Những phân tích này nên được đưa ra thảo luận trong khoa, đưa ra case study thảo luận. Đây mới chính là thành quả của việc thu thập dữ liệu, không chỉ là con số, mà còn là những cải tiến nhỏ, dần dần, hình thành văn hóa về cải tiến chất lượng từ từ thấm vào trong mỗi suy nghĩ, hành động của từng thành viên.
 
Trân trọng,
 
FB: Linh Ngoc Khanh Nguyen
 
 
 
 

THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team