- Đầu tiên rất xin lỗi vì dạo này do phải chống dịch và thực hiện các dự án nên không duy trì được đăng bài mỗi thứ sáu. Tuy vậy Huệ sẽ vẫn cố gắng dành thời gian chia sẻ tới quý đồng nghiệp các chia sẻ thực tế.
- Khi tham gia các dự án y tế mình thường xuyên phải đọc báo cáo trong đó có cả các báo cáo của chính phủ Nhật và các công ty Nhật bỏ nhiều tiền, công sức để “ĐIỀU TRA THỊ TRƯỜNG” và đăng tải công khai trên trang của bộ y tế Nhật. Đa số người Nhật khi muốn làm gì đó về y tế họ sẽ đọc các báo cáo này để có cái nhìn tổng thể về Việt Nam.
- Có nhiều tư liệu trong báo cáo còn hơi cũ nhưng phải thừa nhận nội dung báo cáo rất khách quan, chỉn chu và chi tiết. Có cả ý kiến của chuyên gia nêu ra sự khác nhau giữa suy nghĩ về cách làm việc của nvyt hai nước và mình có để ý đến câu nhận xét của các chuyên gia khi điều tra là. “ĐA SỐ ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM CHƯA CÓ KHÁI NIỆM HOẶC CHƯA THỰC THI ĐÚNG VỀ “TIẾP NHẬN Y LỆNH CỦA BÁC SĨ” NHƯ Ở NHẬT.
Nhân tiện vấn đề Bs Linh đưa ra về “Bệnh viện bạn có Quy trình hướng dẫn quy định khung giờ Điều Dưỡng phải thực hiện y lệnh thuốc các cử SÁNG - TRƯA - CHIỀU - TỐI không ? mình chia sẻ vấn đề này!
TIẾP NHẬN Y LỆNH LÀ GÌ?
- Trong điều trị theo nhóm thì bác sĩ cũng chỉ là một mắt xích trong vòng tròn lấy nb làm trung tâm, nhưng bs là mắt xích phải đảm nhiệm vẫn đề cần cho “RẤT NHIỀU CHỈ THỊ, Y LỆNH” để các thành viên khác như điều dưỡng, dược sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, PT, OT, ST... thực hiện. Vấn đề là phải xem xét để tiếp nhận “Y LỆNH” đó có thực sự “phù hợp” với người bệnh để thực hiện hay không? Nên điều dưỡng sẽ phải đồng tình với “Y LỆNH” đó đảm bảo thực hiện đúng. Việc điều dưỡng sau khi xem xét đánh giá mức độ phù hợp của y lệnh và thực thi được sẽ ký tên vào mục TIẾP NHẬN Y LỆNH và thực thi tiếp các công đoạn.
TIẾP NHẬN Y LỆNH THUỐC UỐNG TẠI BỆNH VIỆN NHẬT
Quy trình sau tiếp nhận y lệnh cho thuốc uống:
- Bác sĩ kê đơn đưa cho điều dưỡng
- Điều dưỡng xem đơn thuốc và nếu không có gì thắc mắc sẽ truyển qua phòng dược. Dược sĩ có nhiệm vụ chia thuốc, cấp thuốc và mang tới khoa giải thích với người bệnh, trò chuyện với điều dưỡng để xác nhận xem có vấn đề gì khi sử dụng thuốc hay không.
- Điều dưỡng có thắc mắc cũng sẽ trao đổi luôn để phối hợp cụ thể thuốc uống đa số theo bữa ăn và
BV Nhật thường có thời gian bữa ăn, và thời gian cho nb uống thuốc cụ thể như sau
- Bữa sáng khoảng 8:00
- Trưa 12:00
- Tối: 18:00
Thuốc trước bữa ăn: cho uống trước 30 phút từ (7:30-8:00, 11:30-12:00, 17:30-18:00)
- Thuốc uống trước khi ăn: Khi phát cơm sẽ mang thuốc đến luôn, uống thuốc và ăn luôn tuy nhiên chỉ thị này không nhiều chỉ 1 vài bệnh nhân trên 1 khoa.
- Thuốc uống sau bữa ăn:cần cho uống từ kết thúc bữa ăn - 30 phút sau kết thúc; điều dưỡng phụ trách phòng nào sẽ phát thuốc cho phòng đó. Không thực thi được thì nhờ đồng nghiệp hỗ trợ để luôn đảm bảo theo khung giờ thực hiện được theo y lệnh.
Kinh nghiệm của mình và đồng nghiệp trung bình 1 ngày phụ trách 6-8 bệnh nhân có cả nặng và nhẹ, ICU thì 1 đến 2 bn nên sẽ liệu thời gian để điều chỉnh phù hợp.
- Đề nghị lại với bác sĩ khi y lệnh thuốc chưa phù hợp với người bệnh.
Ví dụ cụ thể mà mình và đồng nghiệp hay đề nghị đó là
- Thay đổi thời gian uống: lợi tiểu uống buổi sáng nhưng cũng có bn buổi sáng đi ra ngoài nếu uống lợi tiểu thì bất tiện sẽ đổi lại vào buổi trưa hay theo nguyện vọn người bệnh. Nếu người bệnh dễ quên thì đổi lại vào thời gian dễ uống phù hợp.
- Thay đổi hình thức bao bì: ví dụ cho gom thuốc hết vào 1 túi; khá phổ biến với người già hay người đi làm mà phải mang theo thuốc.
- Linh động thời gian uống: có ghi chú thêm để người bệnh, người nhà dễ hỗ trợ khi cho uống thuốc.
Tiếp nhận y lệnh thuốc uống là một phần quan trọng. Điều dưỡng vừa cần hỗ trợ với bác sĩ và dược sĩ để người bệnh có một “y lệnh thuốc” phù hợp và dễ thực hiện, đem lại hiệu quả tốt nhất. Y lệnh cũng quan trọng nhưng phải nên điều chỉnh cho phù hợp với cá nhân người bệnh
Ở khâu này diều dưỡng cần
- Hiểu về bệnh và lý do dùng thuốc của nb
- Hiểu về thói quen của người bệnh
- Hiểu và đánh giá được việc thực thi “y lệnh thuốc” có phù hợp chưa.
- Đúc kết lại vẫn là câu: chúng ta nắm được bao nhiêu thông tin về người bệnh và hiểu về thuốc ra sao từ đó mới có khả năng đánh giá, phân tích để có đủ năng lực TIẾP NHẬN Y LỆNH tốt nhất.
- Mình dám chắc bác sĩ sẽ không bao giờ khinh thường bạn khi bạn dù chỉ là điều dưỡng nhưng hiểu về bệnh nhân và có kiến thức về thuốc. Bạn có hỏi hay ý kiến gì thì bs cũng vui vẻ chỉnh sửa và còn cảm ơn bạn. Khi cần hiệu đính khi bs lỡ kê sai liều, nhầm ... thì là cả một nghệ thuật. Hãy thử bàn bạc hỏi các anh chị có kinh nghiệm. bs khác thử hỏi nên góp ý với bs đó ra sao để “giữ hòa khí, đảm bảo an toàn cho nb”. Mình tin bạn sẽ nhận được vô vàn bài học về cách đối nhân xử thế đó
.
CHIA SẺ KINH NGHIỆM CÁ NHÂN
- Khi mình làm ở khoa chạy thận nhân tạo với 20 máy đảm nhiệm chạy cho 100 nb ngoại trú và nội trú. Khi đó mình đã đảm nhiệm thêm “QUẢN LÝ ĐƠN THUỐC” phụ trợ bác sĩ trong khoảng 4 năm làm ở đó.
- Đầu tiên khi chuyển đến khoa mình xin phép anh dd trưởng khoa cho được đảm nhiệm công việc này để học thêm về thuốc. Cụ thể ngoài công việc của điều dưỡng sẽ phải để ý để chuẩn bị đơn thuốc và nhập điều chỉnh đơn thuốc trên máy tính, in đơn thuốc, đóng dấu của bs, Fax hay gửi đơn thuốc đến nhà thuốc, giải thích với người bệnh...
- Đơn thuốc định kỳ 2 tuần 1 lần nên cần xem lại đơn thuốc. Báo cáo cho bác sĩ đã chỉnh hay thay đổi gì, sửa theo y lệnh của bs nào...
- In đơn thuốc và trình cho bác sĩ xem lại lần cuối: Sau khi bs phát cho người bệnh có người bệnh sẽ muốn được Fax, gửi trước đơn thuốc đến hiệu thuốc để khi đến chỉ việc nhận thuốc mà không phải đợi.
- Phối hợp với bs trả lời liên hệ về nội dung đơn thuốc từ dược sĩ: Ví dụ thuốc A nhà thuốc hiện không còn nên có thể thay thế bằng thuốc khác cùng thành phần được không? Thuốc B đang uống nhưng mới đổi hay có lý do khác mà không thấy có trong đơn thuốc lần này.
- Để tránh trả lời các câu hỏi đó mình hay dán thêm dòng chú thích vào đơn thuốc như: thuốc A từ ngày ... giảm liều lượng, thuốc B tăng liều lượng, thuốc C do nb còn nhiều nên lần này không có trong đơn. Dược sĩ do đã quen thuộc nên nói có thêm dòng chú thích đó cũng rất yên tâm.
- Khi có sự hỗ trợ tỷ mỉ như thế thì bs hay người bệnh cũng cảm thấy được yên tâm. Tuy nhiên ngay cả ở Nhật chỉ nơi Bs quá vất vả mới cần đến sự hỗ trợ này. Hồi đó Anh Bs phụ trách thực sự là bận vừa phải khám ngoại trú, thực hiện thủ thuật, xem bn điều trị nội trú và phụ trách đơn thuốc định kỳ cho nb ở khoa chạy thận nhân tạo. Về sau khi chuyển viện thi thoảng liên hệ bs còn cảm ơn về vấn đề hỗ trợ “có tâm” của mình.
Là điều dưỡng hãy hãy là điểm tựa của người bệnh.
Là điều dưỡng hãy là cánh tay phải của bác sĩ
Là điều dưỡng hãy là trung tâm kết nối các nhân viên y tế tạo một team điều trị ăn ý.
- Tìm cho mình lý tưởng để thấy công việc “điều dưỡng” có ý nghĩa nhé.
- Ps lần sau mình chia sẻ thêm về vấn đề tiếp nhận, thực thi, kiến nghị y lệnh tiêm tryền nhé.
09/08/2021
Tokyo một ngày mưa bão
Hayashi Huệ