Truyền thông chính sách là một quá trình thuyết phục xã hội. Xã hội chấp nhận 60% nghĩa là chính sách thành công 90%. Quản lý nhà nước không phải là ban hành một văn bản (1% công sức) coi như xong, mà đưa được chính sách vào cuộc sống mới là trường kỳ chinh chiến (99% công sức).
>>> Bối cảnh.
Với người dân, y tế là thiết yếu, ai cũng rất cần nhưng không muốn (need but not want). Mọi truyền thông về chính sách đều rất cần có chiến lược, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm như chi phí. Bởi chỉ số ít người khi đau yếu bệnh tật không phải lo nghĩ đến tiền, đại đa số còn lại với họ bệnh tật là tai ương cho cả gia đình.
Nghịch lý của y tế là các chính sách trợ giá không hiệu quả. Nghĩa là trợ giá cho cả người có khả năng chi trả và không có khả năng chi trả. BHYT chỉ đảm đương vai trò san sẻ chi phí giữa người ít bệnh cho người bệnh nhiều. Mà bệnh tật thì không có hỏi điều kiện gia đình mới ghé thăm.
Cho nên, nếu chỉ dựa vào BHYT, không thể giải quyết nổi bài toán tái phân phối phúc lợi trong xã hội. Và hậu quả là người nghèo bị bỏ rơi, gây ra rất nhiều ác cảm, thậm chí căm ghét của người dân lên ngành y. Tạo nên định kiến tiêu cực, suy giảm lòng tin, và từ đó tạo nên hàng loạt những hệ lụy khác.
Để an dân, ngành y buộc phải duy trì chính sách giá thấp, dẫn đến ép ngược lại chi phí vận hành của bệnh viện, làm cho cơ sở vật chất không cải thiện được vì không có tiền tích lũy, làm cho nhân viên y tế (đa số) sống dưới mức bình quân của xã hội, buộc họ phải tìm cách kiếm thêm đủ kiểu, lại dẫn đến hàng đóng hệ lụy tiêu cực khác, lại tạo ra định kiến, lại suy giảm tiếp niềm tin.
Ban Giám đốc của một bệnh viện công suốt ngày chết chìm trong đề án, đề xuất, đề nghị…và ngồi mong chờ rót kinh phí, mong chờ duyệt giá như nắng hạn chờ mưa. Họ bị một sức ép kinh khủng giữa y đức (cứu chữa bệnh tật), tiền và tiền. Không tiền thì mất người, không đảm bảo điều kiện tối thiểu cho vận hành, dẫn đến chất lượng khám chữa bệnh “tai tiếng nhiều hơn danh tiếng”. “Chết lâm sàng” không còn là “hồi chuông cảnh báo” mà đang hiện thực khắp nơi ở các bệnh viện công, đặc biệt là bệnh viện tuyến cơ sở. Một số bệnh viện được chính quyền địa phương khá giả đầu tư khang trang hơn, phát triển ổn định hơn thì cũng đã lên báo hết rồi, coi như là “điển hình tiên tiến” để phản biện lại những gì thuộc về số đông kêu gào..
>>> Khi truyền thông không hỗ trợ chính sách.
Nhiều giải pháp của ngành y đã được triển khai nhiều năm qua:
Giải pháp phân tầng trong dịch vụ y tế, để người đủ khả năng chi trả đúng chi phí cần thiết, và chi trả giá trị thăng dự nếu họ cảm thấy đáng. Từ đó bệnh viện có tích lũy, có tiền trả thu nhập tăng thêm, có tiền để cải thiện điều kiện thiết yếu.
Giải pháp xã hội hóa. Module hóa bệnh viện công, chấp nhận đầu tư khai thác chuyển giao (BOT, BT…), hợp tác công ty (PPP), huy động vốn xã hội để giảm gánh nặng đầu tư quá lớn với y tế cho ngân sách nhà nước (không một quốc gia nào đủ tiền để đầu tư hết cho y tế).
Những bước đi này của ngành y là không thể khác được, hiển nhiên nó phải đến.
TUY NHIÊN, vấn đề rất lớn ở đây là dường như BYT không có một chiến lược truyền thông ra xã hội một cách hiệu quả. Dẫn đến sự phản kháng của xã hội, hiểu lệch, hiểu nhầm, từ đó tạo nên sức ép ngược lại đến chính sách. Và hậu qua là trì hoãn hoặc bẻ lái chính sách đi theo hướng khác, lại dẫn đến những hệ lụy rối rắm khác.
>>> Những giải pháp truyền thông cần tập trung.
Xã hội có nhiều nhóm đối tượng khác nhau, cho nên chiến lược truyền thông cũng phải hướng đến từng nhóm đối tượng mà có sách lược, tạo những thông điệp phù hợp. Có thể liệt kê một vài nhóm dưới đây:
1. Nhóm người dân:
Nên cho người dân hiểu, nhiều năm nay, y tế VN được trợ cấp khá nhiều (x%). Và việc trợ cấp mang tính dàn trải, không hiệu quả. Việc ngành y đang làm là tái phân phối trợ cấp cho hiệu quả hơn. Người có khả năng chi trả thì thực hiện chi trả đủ. Người khó khăn sẽ có những cơ chế nâng đỡ, không bỏ rơi họ.
Ngân sách trợ cấp nếu có, chỉ tập trung vào chuyên môn (kỹ thuật khó, đào tạo huấn luyện), không trợ cấp cho tiện ích dịch vụ (phòng máy lạnh, toilet 5 sao). Người dân phải chi trả nhiều hơn cho tiện ích (muốn giường tốn hơn, muốn nệm êm hơn, muốn vật tư y tế dùng một lần…phải chi trả nhiều hơn).
2. Nhóm lãnh đạo địa phương:
Y tế là ngành mà bất cứ địa phương này cũng rất quan tâm vì nó ảnh hưởng đến sự an dân, chính trị địa phương. Bất cứ một bệnh viện địa phương muốn làm gì cũng phải được sự chấp thuận của địa phương. Ví dụ như: hội đồng nhân dân, các sở ban ngành…Điều gì sẽ xảy ra khi những lãnh đạo địa phương không hiểu gì đến sự thay đổi của chính sách y tế, không ai dám làm cái gì khi nó không có chữ nào được viết ra cụ thể (văn bản hướng dẫn dưới luật), và đương nhiên là họ không duyệt bất cứ thứ gì bệnh viện đưa lên.
Thậm chí, không ít nơi, lãnh đạo địa phương vẫn còn suy nghĩ, ngành y là phải phục vụ như thời chiến (toàn tâm toàn ý, hysinh, không tiền, chỉ có khối óc và con tim…). Những quan điểm ấu trĩ, bảo thủ, cực đoan, từ nhóm các lãnh đạo địa phương chính là sự cản trở khóc liệt nhất với mọi nỗ lực cải cách của ngành y. Hay nói cách khác, mọi chủ trương thay đổi của y tế sẽ không có đi được đến đâu, nếu như ngành y không mở được cái não trạng của quan chức địa phương. Do đó, ngành y cần phải xây dựng một chiến lược truyền thông nghiêm túc, quyết liệt, cho nhóm đối tượng này.
3. Nhóm đối tượng doanh nhân:
Doanh nhân là những con người tìm kiếm cơ hội để kiếm tiền. Đạo đức kinh doanh của họ phụ thuộc vào nhận thức của họ, bối cảnh cuộc sống họ, … từ đó dẫn đến động lực, động cơ họ đầu tư vào y tế cũng rất khác biệt. Ai đầu tư vào ngành y mà không nói chuyện như thiên thần. Tuy nhiên, phía sau họ là ý đồ gì thì chỉ có họ mới biết, không ai biết nỗi.
Đầu tư y tế không phải là làm từ thiện. Khái niệm phi lợi nhuận không định nghĩa được, và không chính sách hóa được. Làm từ thiện hay phi lợi nhuận không dẫn đến một động lực đầu tư đúng đắn, không quyết tâm, không đặt tâm trí làm hết sức hết mình, dẫn đến khó khăn nản lòng, dẫn đến “muốn thoát ra khi thực tế không đẹp như tương tượng”, dẫn đếnthất bại, tiền mất mà chẳng cứu chữa được ai.
Ngành y cần những nhà đầu tư từ bi, xem đầu tư y tế như một sự nghiệp, cần làm ra tiền để tái đầu tư, phải làm ra tiền được thì mới nghĩ đến chuyện cứu người này người kia. Nhưng động lực kiếm tiền của họ không phải là để hưởng thụ cá nhân, mà để có nhiều tiền hơn để cứu được nhiều người hơn, đó là khái niệm nhà đầu tư từ bi.
Với nhà đầu tư từ bi, quan điểm đúng đắn là “bệnh viện phải làm ra tiền, vì chúng ta cần nhiều tiền hơn để cứu được nhiều người hơn”.
4. Nhóm nhân viên y tế:
Một thời gian dài, ngành y đã làm xói mòn nhiệt quyết, lòng tin của nhân viên y tế thông qua nhiều rao giảng cài não giáo điều. Nhân viên y tế cần được trả lại hai từ “thực tế” nhưng không thực dụng, bất chấp thủ đoạn.
Quyền lực trong tay của nhân viên y tế rất lớn với người bệnh, họ sử dụng nó vào cái gì, chỉ có họ mới biết. Cho nên, muốn nói đến chuyện y đức, trước hết phải làm rỏ, và sống thực tế với đồng tiền. Chứ không phải suốt ngày lơ mơ, nói toàn chuyện thiên thần, nhưng cuối cùng kiếm tiền bằng những phương cách tồi tệ nhất. Y đức trước hết là khuyến khích đội ngũ y tế kiếm tiền bằng tâm sức trí tuệ của mình, và kiếm tiền sao cho xứng đáng với sự kính trọng của xã hội.
>>> Lời cuối
Truyền thông chính sách là một quá trình thuyết phục xã hội. Xã hội chấp nhận 60% nghĩa là chính sách thành công 90%. Quản lý nhà nước không phải là ban hành một văn bản (1% công sức) coi như xong, mà đưa được chính sách vào cuộc sống mới là trường kỳ chinh chiến (99% công sức).
P/S: Trải nghiệm sự lệch lạc chính sách trong y tế ở khắp nơi làm ý tưởng cho bài viết này. Và nó nên sử dụng trong phạm vị nhỏ trong group này. Cho nên xin phép KHÔNG CHIA SẺ. Cám ơn.
Ths. Huỳnh Bảo Tuân